Quản lý chi tiêu cá nhân hợp lý sẽ mang đến nhiều lợi ích không tưởng. Chẳng vì thế mà những người thành công, những chuyên gia tài chính luôn đưa ra lời khuyên cho mọi người hãy bắt đầu quản lý tài chính cá nhân ngay khi có thể, dù ở bất kỳ lứa tuổi nào. Tuy nhiên, đâu phải ai cũng hiểu về điều đó, cũng biết bắt đầu tư đâu? Nên làm gì? Có những nguyên tắc nào? Hãy để Góc văn phòng giúp bạn nhé!
1. Quản lý chi tiêu cá nhân là gì?
Quản lý tài chính (chi tiêu) cá nhân là quá trình quản lý và sắp xếp các khoản thu nhập, chi tiêu, đầu tư và tiết kiệm của một cá nhân hoặc gia đình để đạt được mục tiêu tài chính cá nhân cụ thể. Nó bao gồm việc theo dõi và điều chỉnh ngân sách, lập kế hoạch tài chính, quản lý nợ và tối ưu hóa các quyết định tài chính hàng ngày nhằm đảm bảo sự ổn định tài chính trong tương lai. Quản lý tài chính cá nhân có thể bao gồm việc đầu tư vào cổ phiếu, trái phiếu, bất động sản, tiết kiệm tiền trong ngân hàng, hoặc thậm chí là việc lập kế hoạch nghỉ hưu.
2. Tại sao quản lý tài chính cá nhân lại quan trọng?
Quản lý tài chính cá nhân vô cùng quan trọng, dù đối với bất kỳ lứa tuổi nào đi chăng nữa. Không nhiều người có kiến thức và thật sự để ý vấn đề này nhưng những lý do dưới đây sẽ giúp bạn hiểu ra được điều đó:
- Đảm bảo sự ổn định về tài chính: Nó ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng cuộc sống hiện tại và sự ổn định trong tương lai của bạn cũng như gia đình. Quản lý tài chính giúp bạn cân nhắc kỹ hơn trước khi đưa ra một quyết định chi tiêu nào đó. Việc kiểm soát chi tiêu sẽ giúp nguồn lực của bạn được tích lũy nhiều hơn, đảm bảo cuộc sống của bạn thời điểm có việc đột xuất xảy ra như ốm đau, bệnh tật,…..; nhất là khi thu nhập bị ảnh hưởng.
- Đạt được mục tiêu tài chính: Giới trẻ hiện đại ngày nay luôn có những áp lực rất lớn về mặt tài chính khi mà nhu cầu cuộc sống ngày càng tăng cao. Và để nhanh chóng đạt được mục tiêu tài chính đề ra thì việc thu-chi, tích lũy và đầu tư hợp lý là điều bạn bắt buộc phải làm.
- Tránh gặp phải vấn đề tài chính: Cuộc sống vốn đầy những điều bất ngờ và thú vị. Bạn sẽ không biết chuyện gì sẽ xảy ra với mình mà chỉ có thể luôn chuẩn bị sẵn sàng cho mọi tình huống. Quản lý tài chính sẽ hạn chế tối đa nhất khả năng bạn gặp phải vấn đề tài chính khi mà bạn có tích sản.
- Tăng cơ hội: Có nguồn lực, các khoản đầu tư tài chính, đầu tư vào bản thân để tăng khả năng thu nhập đều sẽ tăng theo. Và bạn luôn sẵn sàng khi cơ hội đến.
- Tạo ra cuộc sống theo ý muốn: Quản lý tài chính cá nhân giúp bạn kiểm soát tài chính của mình, từ đó giúp bạn thực hiện lối sống mà bạn mong muốn, không bị ràng buộc bởi nợ nần và áp lực tài chính
- Giảm stress: Cuộc sống không còn quá nhiều áp lực tài chính sẽ dễ thở hơn. Bạn không còn phải gồng mình để chống chịu gánh nặng tài chính nữa.
Có thể thấy được rằng, quản lý chi tiêu cá nhân một cách chặt chẽ, khoa học sẽ mang đến rất nhiều lợi ích. Nó sẽ là cơ sở để xây dựng một tương lai bền vững, tốt đẹp hơn.
3. Các bước quan trọng trong quản lý chi tiêu cá nhân
Quản lý chi tiêu cá nhân là quá trình điều chỉnh và kiểm soát cách mà bạn chi tiêu tiền của mình hàng ngày, hàng tuần hoặc hàng tháng. Nó không chỉ là việc ghi chép các khoản chi tiêu, mà còn là việc phân tích và hiểu rõ các mẫu chi tiêu để có thể điều chỉnh lại theo các mục tiêu tài chính cá nhân của bạn. Việc có được cách chi tiêu tiền thông minh đòi hỏi rất nhiều kỹ năng khác nhau, đồng thời hiểu được mình cần phải làm gì để tiết kiệm chi tiêu. Một số bước dưới đây sẽ giúp bạn có tư duy mạch lạc hơn về việc này:
- Xác định nguồn thu nhập: Hãy bắt đầu bằng việc xác định mức thu nhập hàng tháng của bạn từ tất cả các nguồn, bao gồm lương, tiền thưởng, hoặc bất kỳ nguồn thu nào khác. Nắm được tổng số tiền mình có theo tháng, theo năm sẽ giúp bạn có được cái nhìn tổng quan nhất về năng lực tài chính cá nhân.
- Lập ngân sách: Xác định các chi tiêu cố định như thuê nhà, tiền điện, nước, internet, và các khoản vay nợ hàng tháng. Dự kiến ngân sách cho các khoản chi phí không cố định như tiền ăn, tiền đám hiếu hỉ, tiền thuốc men, tiền dự phòng,… Từ đó bạn sẽ thấy được sau khi chi tiêu những khoản trên thì mình còn gì?
- Ghi chép các khoản chi tiêu: Theo dõi tất cả các khoản chi tiêu hàng ngày hoặc hàng tuần của bạn, từ mua sắm thường nhật đến chi tiêu lớn hơn. Những thống kê này sẽ giúp bạn rất nhiều trong việc phân tích, đánh giá sau này.
- Phân tích và đánh giá: Đánh giá các mẫu chi tiêu của bạn để xem xét xem có cách nào để tiết kiệm hoặc cắt giảm chi phí không? Khoản nào bị bội chi? Có phương án nào hạn chế chi tiêu đi không? Ví dụ như bớt nhậu nhẹt, hay tập thể dục để có sức khỏe tốt hơn, tiết kiệm được tiền thuốc men,….
- Đặt ra mục tiêu tài chính: Thiết lập một số mục tiêu tài chính cụ thể, chẳng hạn như tiết kiệm một phần thu nhập hàng tháng, trả nợ, hoặc tiết kiệm cho một mục tiêu lớn như mua nhà hoặc nghỉ hưu. Các mục tiêu này chính là động lực để bạn có thể quản lý chi tiêu tốt hơn.
- Tuân thủ và điều chỉnh: Thực hiện ngân sách của bạn và thường xuyên xem xét và điều chỉnh nó khi cần thiết để đảm bảo rằng bạn đang tiếp tục tiến gần hơn đến mục tiêu tài chính của mình.
4. Những quy tắc biến bạn thành “Chuyên gia” quản lý tài chính cá nhân
Có nhiều quy tắc quan trọng trong quản lý tài chính cá nhân mà bạn có thể áp dụng để giúp bạn duy trì một cuộc sống tài chính cân đối và ổn định. Dưới đây là một số quy tắc phổ biến:
- Ngân sách:
- Quy tắc 50-30-20: Phân bổ 50% thu nhập cho chi tiêu cố định và cần thiết, 30% cho các chi tiêu không cần thiết, và 20% cho tiết kiệm và trả nợ, dự phòng. Quy tắc này sẽ giúp bạn điều chỉnh lại cách chi tiêu của cá nhân khi bị giới hạn nguồn lực.
- Quản lý ngân sách hàng tháng: Tạo và duy trì một ngân sách hàng tháng chi tiết để theo dõi và kiểm soát các khoản thu nhập và chi tiêu. Hãy tuân thủ kỷ luật. Một vài tháng đầu bao giờ cũng khó khăn do thói quen tiêu tiền ban đầu của bạn.
- Tiết kiệm và đầu tư:
- Quy tắc 10-10-80: Tiết kiệm ít nhất 10% thu nhập, đầu tư 10% vào việc tạo ra nguồn thu nhập bổ sung và sử dụng 80% cho chi tiêu hàng ngày. Cũng giống như quy tắc 50-30-20 trên, quy tắc này chỉ rõ ra bạn cần phải làm gì với số tiền tiết kiệm còn lại của mình.
- Tự động hóa tiết kiệm: Thiết lập các khoản tiết kiệm tự động từ thu nhập hàng tháng để tăng cường việc tiết kiệm. Sẽ có thời điểm nào đó bạn quên và chợt nhận ra mình đã tiêu lẹm vào khoản tiền tiết kiệm. Việc này sẽ hạn chế sự chần chừ, lãng quên.
- Trả nợ và quản lý nợ:
- Quy tắc trả nợ: Ưu tiên trả nợ với lãi suất cao trước, sau đó chuyển sang trả nợ với lãi suất thấp hơn. Điều này tuy khiến áp lực trả nợ ban đầu của bạn cao hơn nhưng về lâu dài thì rõ ràng bạn sẽ tiết kiệm khoản lãi suất khá nhiều.
- Hạn chế sử dụng thẻ tín dụng: Thẻ tín dụng mang đến cho bạn cảm giác tự tin của một người luôn có nhiều tiền. Tuy nhiên, thực tế số tiền đó không phải của bạn và lãi suất khi quá hạn cao hơn rất nhiều so với lãi ngân hàng. Sử dụng thẻ tín dụng một cách có ý thức và tránh nợ nhiều hơn có thể trả được.
- Bảo hiểm và khẩn cấp:
- Quy tắc bảo hiểm: Đảm bảo bạn có đủ bảo hiểm cho sức khỏe, xe cộ, nhà cửa và nguy cơ khác. Phương án này mang đến sự an toàn cho tài sản của bạn. Nhưng cũng cần phải cân đối nguồn lực khi mua bất kỳ 1 loại bảo hiểm nào đó.
- Tạo quỹ dự phòng: Tiết kiệm một phần thu nhập cho một quỹ dự phòng để đối phó với các tình huống khẩn cấp.
- Kiểm soát chi tiêu:
- Quy tắc 30 ngày: Khá nhiều quyết định tiêu dùng dựa trên cảm xúc nhất thời. Bởi thế, hãy trì hoãn mua sắm đối với các món đắt tiền ít nhất 30 ngày để đảm bảo bạn thực sự cần chúng trong cuộc sống của mình.
- So sánh giá: Bạn sẽ không thể tin nổi rằng có khá nhiều địa chỉ khác bán giá sản phẩm bạn định mua rẻ hơn. Luôn tìm kiếm các ưu đãi và so sánh giá trước khi mua hàng là cách tiêu dùng thông minh nhằm tiết kiệm chi phí.
- Tăng thu nhập:
- Phát triển kỹ năng: Đầu tư vào việc phát triển kỹ năng mới hoặc nâng cao kỹ năng hiện có sẽ tăng giá trị của bản thân, từ đó tăng thêm thu nhập hàng tháng, giúp bạn có nhiều nguồn lực hơn.
- Tạo nguồn thu nhập phụ: Xem xét các cơ hội kiếm tiền thêm như làm thêm giờ, làm việc tự do, hoặc kinh doanh nhỏ. Việc phát triển kinh doanh online hiện đang là xu hướng hiện nay. Thị trường rộng mở, linh hoạt giúp mọi người dễ dàng bán hàng hơn. Hãy cân nhắc cơ hội này nhé!
Như vậy, với những nguyên tắc trên kết hợp với tính kỷ luật cao sẽ mang đến cho bạn một nền tảng tài chính ngày càng vững mạnh. Đừng bỏ lỡ thông tin mà hãy ghi nhớ và chia sẻ đến mọi người nhé!